Skip to main content

 Kiến trúc nhà vườn truyền thống Huế: nhận diện và giải pháp phát triển thương hiệu

TS. KTS. Nguyễn Ngọc Tùng

Khoa Kiến trúc, Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế (Email: Kts.nguyentung@hueuni.edu.vn)

 

1. Tổng quan

Huế, cố đô triều đại nhà Nguyễn (1802-1945), được biết đến là thành phố vườn bởi sự cấu thành của những thành tố xanh như cảnh quan, lăng tẩm vườn, phủ đệ, và đặc biệt là các nhà vườn truyền thống. Nhà vườn truyền thống Huế luôn có sự kết nối hữu cơ giữa ngôi nhà, con người và sân vườn cảnh quan (hình 1). Nhắc đến nhà rường, nhà vườn thì ta sẽ nghĩ ngay đến Huế chứ không thể nghĩ đến các địa phương khác được. Có thể nói, đó là thương hiệu đặc trưng của Huế và chúng là những yếu tố không thể thiếu tạo nên vẻ đẹp tiềm ẩn và di sản văn hóa của thành phố vườn Huế.


Hình 1. Nhà vườn “Xuân Viên Tiểu Cung” ở phường Kim Long (nguồn: tác giả)

Trong khi các chúa Nguyễn ở trong phủ và vua Nguyễn ở trong Tử Cấm Thành, các hoàng thân quốc thích, quan lại sống tại các ngôi nhà vườn tọa lạc xung quanh phủ và kinh thành. Kết quả, các ngôi nhà vườn tập trung chủ yếu ở trong khu vực kinh thành và các làng cổ xung quanh như Kim Long, Vỹ Dạ, Phú Cát và Nguyệt Biều (hình 2).

Những yếu tố như lối sống, tôn giáo, tín ngưỡng, luật lệ của triều Nguyễn, và đặc trưng địa lý, khí hậu Huế đã có ảnh hưởng đến sự hình thành, tổ chức không gian, hình khối, và môi trường sống của các nhà vườn truyền thống Huế. Các yếu tố này đã tạo nên đặc trưng duy nhất mà các nhà truyền thống ở những địa phương khác không thể có.


 Hình 2. Bản đồ phân bố nhà vườn truyền thống Huế (nguồn: tác giả)

2. Sự hình thành và đặc điểm kiến trúc

2.1. Sự hình thành và thực trạng các nhà vườn truyền thống Huế

Có lẻ các nhà vườn truyền thống Huế bắt đầu xuất hiện vào thế kỷ 17 dưới thời kỳ chúa Nguyễn [3, tr. 137]. Sau đó, những ngôi nhà này nhanh chóng lan rộng trong giai đoạn triều đại nhà Nguyễn. Trong khu vực kinh thành, các ngôi nhà vườn truyền thống ban đầu có thể là nơi thư giãn và học tập của các hoàng tử dưới triều đại vua Minh Mạng (1820-1840) [10, tr. 95]. Sau này, hoàng thân quốc thích và các tầng lớp quan lại có thể ở trong nhà vườn truyền thống. Cuối cùng, dân thường có thể sở hữu các ngôi nhà này khi họ có điều kiện về tài chính. Hiện tại, số lượng các nhà vườn truyền thống Huế hiện hữu tại khu vực trong kinh thành và Kim Long chiếm tỷ lệ khá nhiều. Hình 3 cho thấy vị trí 84 ngôi nhà trong khu vực kinh thành và 34 ngôi nhà ở khu vực Kim Long.


 Hình 3. Phân bố nhà vườn truyền thống trong khu vực kinh thành và Kim Long (nguồn: tác giả)

2.2. Đặc điểm kiến trúc

Tổng thể một ngôi nhà vườn truyền thống điển hình được miêu tả từ khá nhiều nghiên cứu trước đây ([1], [2], [4], [6] và [7]), thông thường gồm có cổng, hàng rào, lối vào, Bình Phong, Bể Cạn, yếu tố Tả Thanh Long và Hữu Bạch Hổ, Nhà Chính (nhà Rường), Nhà Phụ, và sân vườn (hình 4).


Hình 4. Tổng thể và không gian mặt bằng một ngôi nhà vườn truyền thống (nguồn: tác giả)

Nhìn vào tổng thể của một ngôi nhà vườn truyền thống Huế, ngôi nhà như một tiểu kinh thành thu nhỏ (hình 5). Núi Ngự Bình và sông Hương đóng vai trò là tiền án và yếu tố Minh Đường cho kinh thành, trong khi đó, cồn Hến và cồn Dã Viên như là hai người bảo vệ. Ở nhà vườn truyền thống, Bình Phong và Bể Cạn đóng vai trò tương tự như núi Ngự Bình và sông Hương của kinh thành, trong khi yếu tố Tả Thanh Long và Hữu Bạch Hổ của ngôi nhà như cồn Hến và cồn Dã Viên.


 Hình 5. Tương quan tổng thể giữa kinh thành Huế và nhà vườn truyền thống (nguồn: tác giả)

Thông thường, cái cổng có mái dốc giúp che chắn thành viên gia đình hoặc người đi đường dưới ánh nắng chói chan của mặt trời hay những cơn mưa bất chợt. Phía sau cổng, một lối nhỏ dẫn đến bức Bình Phong và Bể Cạn (hình 6). Vai trò Bình Phong giúp làm chậm thời gian người khách khi vào nhà để chủ nhân có thể chỉnh trang trang phục lịch sự trước khi đón khách như là một nếp sống của người Huế.


 Hình 6. Bình Phong, Bể Cạn, yếu tố Tả Thanh Long và Hữu Bạch Hổ (nguồn: tác giả)

Theo nguyên tắc phong thủy, Bình Phong đóng vai trò tiền án chắn các luồng khí xấu, còn Bể Cạn đóng vai trò là yếu tố Minh Đường, đem lại sức khỏe, thịnh vượng cho chủ nhân. Yếu tố Tả Thanh Long và Hữu Bạch Hổ như hai người bảo vệ cho ngôi nhà. Thông thường, chúng có thể là hai cây nhỏ hoặc hai chậu cây bonsai nằm trước hai chái của Nhà Chính hoặc nằm hai bên Bình Phong.

Ở trung tâm ngôi nhà vườn truyền thống là Nhà Chính, thường xoay về hướng đông nam. Theo quan niệm của người Việt, hướng nam và đông nam được xem là hướng tốt mang lại sức khỏe, thịnh vượng, gió tốt cho ngôi nhà. Tuy nhiên, hầu hết các nhà vườn truyền thống ở Kim Long nằm dọc kênh thì xoay hướng về con kênh (yếu tố Minh Đường” trong phong thủy). Nhà Phụ thường nằm vuông góc một bên so với Nhà Chính.  

Nhà Chính thông thường là nhà Rường (hoặc nhà Rội), cấu trúc truyền thống ở khu vực miền Trung Việt Nam (hình 7). Theo nghiên cứu của TS. Trần Bá Tịnh, nhà Rường bắt nguồn từ vùng Thanh Nghệ tỉnh (Nghệ An, Thanh Hóa ngày nay), sau đó lan rộng vào đàng trong và phát triển mạnh ở Huế thời nhà Nguyễn [9]. Từ nhà Rường Rội, có thêm hai biến thể là Thượng Rường Hạ Rội, Rường bán thân. Qua khảo sát các nhà vườn truyền thống Huế, Nhà Chính đều là nhà Rường (trừ một ngôi nhà ở đường Lương Ngọc Quyến trong kinh thành có Nhà Chính là nhà Rội).


 Hình 7. Cấu trúc nhà Rường, Rội, và biến thể (nguồn: tác giả)

Có thể khẳng định, cấu trúc nhà Rường là đặc trưng duy nhất ở miền Trung nói chung và ở Huế nói riêng. Đây được xem là cấu trúc thuần nhất, các cấu kiện ngôi nhà đều có một vai trò nhất định trong cấu tạo bộ khung. Điều này rất khác với nhà truyền thống khu vực Bắc bộ khi nhiều cấu kiện có thể không có vai trò gì trong cấu tạo bộ khung và chỉ mang tính trang trí, thẩm mỹ. Một số điểm đặc trưng ở nhà Rường có thể thấy như sau:

- Cấu trúc thuần nhất, hoàn thiện nhất so với các cấu trúc truyền thống khu vực Bắc bộ. Tuy các cấu kiện đơn giản nhưng đều có vai trò nhất định trong cấu tạo bộ khung.

- Có không gian rầm thượng và rầm hạ. Rầm thượng là không gian dưới nóc mái và trên trến, dùng để chứa đồ và trú ẩn khi có mưa lụt, thích ứng với khí hậu khắc nghiệt miền Trung. Rầm hạ là không gian dưới giường ngủ, nơi chứa rượu và đồ dùng khác của gia đình.

- Phương thức truyền lực ở nhà Rường là từ mái, chủ yếu chuyển theo phương nghiêng của kèo và xuống trực tiếp các cột. Trong khi ở các nhà truyền thống miền Bắc được truyền theo phương ngang, dọc, nghiêng, qua nhiều cấu kiện trung gian mới xuống cột.

- Liên kết giữa các kèo ở nhà Rường khác biệt so với kẻ ở vùng Bắc bộ. Đầu kèo cù (hiên) nằm gác lên đuôi kèo hàng ba, đầu kèo hàng ba gác lên đuôi kèo hàng nhì, đầu kèo hàng nhì gác lên đuổi kèo hàng nhất. Còn kẻ ở miền Bắc thì ngược lại: đuôi kẻ trên gác lên đầu kẻ dưới.

- Trong khi thước dùng để thiết kế xây dựng các nhà truyền thống khác là thước tầm (thước sàm, rui mực) thì đối với nhà Rường, người thợ sử dụng một loại thước đặc biệt, đó là thước nách. Theo giáo sư Hayashi, Nhật Bản, đây là loại thước chỉ có ở Huế mà không nơi nào có với hình tam giác đều.

- Hình khối nhà Rường ngoài phát triển theo phương ngang hai bên (1 gian, 3 gian, 5 gian, 7 gian,…) thì có thể phát triển trước sau. Chính vì vậy mà ở miền Trung, dạng nhà Rường hình vuông có thể thấy được.

- Hệ thống cửa gỗ nhà Rường được gọi là cửa bàn khoa. Nhà Rường phân loại dựa vào số gian chái. Qua khảo sát các nhà vườn truyền thống ở khu vực kinh thành và Kim Long, nhà Rường chủ yếu có ba dạng: 1 gian - 2 chái (A), 3 gian - 2 chái (B), và 3 gian (C) như thể hiện ở hình 8. Đối với các phủ đệ hoặc một số trường hợp cá biệt thì có thể có 5 gian.


 Hình 8. Phân loại nhà Rường dựa vào số gian chái (nguồn: tác giả)

2.3. Cấu trúc không gian và môi trường sống nhà vườn truyền thống Huế

Trong tổ chức không gian Nhà Chính của một ngôi nhà vườn truyền thống, không gian gian giữa phía nữa sau thường là nơi thờ tự ông bà tổ tiên và phía trước là nơi thờ phật. Đây là không gian trang nghiêm nhất trong nhà. Chái trái (thường gọi là chái đông) là không gian dành cho nam và chái phải (thường gọi là chái tây) là không gian dành cho phụ nữ, thường nằm sát khu vực bếp ở Nhà Phụ. Không gian phía trước thờ tự khá linh hoạt, có thể là phòng khác, sinh hoạt chung, thỉnh thoảng là không gian ăn, thậm chí là nơi nghỉ ngơi, ngủ trưa của gia chủ.

Bếp, phòng ăn và kho thường ở Nhà Phụ, trong khi vệ sinh, phòng tắm, giặt giũ thường ở ngoài, phía sau của ngôi nhà. Bên cạnh đó, một phần không gian Nhà Phụ trước đây thường dùng là phòng ngủ cho phụ nữ.

Môi trường sống trong nhà vườn truyền thống Huế thể hiện sự hài hòa giữa ngôi nhà, thiên nhiên, và con người. Nhà Chính, Nhà Phụ, và các yếu tố khác được bao quanh khu vườn tạo nên một bức tranh hữu cơ tuyệt vời, phản ánh bố cục tổng thể, tổ chức không gian, và lối sống trong nhà vườn truyền thống (hình 9).  

Một cái cổng xưa cùng hàng rào chè tàu có thể tạo sức hút, tò mò cho du khách hình dung không gian kiến trúc hấp dẫn đang ẩn chứa bên trong. Lối vào sau ngỏ dẫn dắt người khách đến Bình Phong, dừng lại một chút và rẻ trái để vào nhà cũng thể hiện lối sống của người Huế. Người khách, khi bước vào Nhà Chính, cẩn trọng nhấc chân bước qua cửa bàn khoa, cuối đầu xuống để khỏi đụng mái cũng là thể hiện tín ngưỡng truyền thống, như một sự tôn trọng của người khách đối với gia chủ. Ngôi nhà Rường nhỏ nhắn, bước cột nhỏ như nhắc nhở người khách cẩn trọng trong cử chỉ. Qua khảo sát, nhiều gia chủ quan niệm cốt nền hoặc chiều cao Nhà Chính cần cao hơn cốt nền hoặc chiều cao Nhà Phụ.


 Hình 9. Nhà vườn truyền thống “Lạc Tịnh viên” ở 65 Phan Đình Phùng, TP. Huế (nguồn: tác giả)

Bên trong ngôi nhà Rường, gia chủ thường trang hoàng rất công phu, tỉ mẫn không gian thờ tự. Những bức liễn, câu đối, hình ảnh cũ, và những bức khảm gỗ quý giá có thể được thấy ở đây. Nhiều gia chủ, mặc dù không biết chữ Hán, nhưng vẫn có thể đọc thuộc các ký tự trên câu đối, bức khảm gỗ trong nhà. Một lý do đơn giản vì đó như là những kỷ niệm, những lời răng dạy của tổ tiên, ông cha để lại. Với họ, đó là những ký ức, là sự liên kết giữa các thế hệ trong ngôi nhà. Những điều này phản ánh những giá trị phi vật thể mà mỗi ngôi nhà là một câu chuyện riêng biệt, đầy hấp dẫn, thể hiện nét văn hóa truyền thống và lối sống trong các nhà vườn truyền thống Huế.

Trong vườn, nhiều loại cây quả khác nhau được trồng theo quan điểm của chủ nhân. Thông thường, những cây bóng mát như nhãn, ổi, đào được trồng ở hướng tây. Cây gia vị và rau thường được trồng gần bếp nhằm thuận tiện cho sinh hoạt bếp núc. Những cây bonsai, cây cảnh thường được đặt trước Nhà Chính nhằm tôn thêm vẻ đẹp và giá trị ngôi nhà. Tất cả các cây trồng trong vườn dường như đều là thành viên của gia đình. Chủ nhân hàng ngày chăm sóc, tưới trồng như người thân. Khi có một ai đó mất đi, các cành cây cũng được buộc khăn trắng quanh thân như để nói rằng, các cành cây, hoa trái cũng đang tưởng nhớ người đã khuất. Điều đó thể hiện đặc trưng duy nhất trong lối sống và tín ngưỡng của người Huế nói chung và các chủ nhân trong nhà vườn truyền thống nói riêng.

3. Giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị “thương hiệu” nhà Rường  nhà vườn truyền thống

Trong nhiều năm trở lại đây, “thương hiệu” nhà Rường và nhà vườn truyền thống Huế đang dần lan tỏa rộng khắp trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, số lượng những ngôi nhà vườn truyền thống cũng đang có xu hướng giảm và thay vào đó bằng những công trình hiện đại. Nhiều cơ sở doanh nghiệp phát triển mạnh trong lắp ghép hệ nhà Rường và ứng dụng vào nhiều mục đích khác nhau (cafe, nhà hàng, resort, khu nghỉ dưỡng,…) góp phần quảng bá “thương hiệu” nói trên. Nhưng cũng không ít nhà Rường cổ bị hạ giải, phá hủy vì nhiều nguyên nhân khác nhau. Một số giải pháp để bảo tồn và phát triển “thương hiệu” nhà Rường và nhà vườn truyền thống được đề xuất như sau:

- Cần có một đề án khảo sát, thống kê toàn bộ các ngôi nhà Rường đang hiện hữu trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế hiện nay. Khảo sát này giúp tạo ra bộ cơ sở dữ liệu và phân loại theo hình thức kiến trúc, theo niên đại, hoặc theo giá trị văn hóa kiến trúc. Việc phân loại này giúp cho định hướng các giải pháp bảo tồn cụ thể đối với từng loại sau này. Bên cạnh đó, cần có cơ chế lưu trữ, bảo quản cơ sở dữ liệu để có thể sử dụng một cách có hiệu quả đối với các hoạt động liên quan sau này.

- Tham khảo các dự án bảo tồn của những trường hợp tương tự trong và ngoài nước. Đề xuất này có thể cũ vì luôn được đề cập ở rất nhiều nghiên cứu, nhiều nhà chuyên gia. Tuy nhiên, vẫn luôn cần thiết, đặc biệt đối với trường hợp các nhà vườn truyền thống cùng với cấu trúc nhà Rường. Hãy nhìn những thành công từ các nước bạn như bảo tồn phố cổ Pingyao, Trung Quốc [5], bảo tồn làng cổ Shirakawa-go với các nhà cổ Gassho hơn 300 năm tuổi (công nhận di sản văn hóa thế giới năm 1995) [6], cách hồi sinh những ngôi nhà truyền thống Machiya, Kyoto [8], hay làng Miyama, Kyoto với các ngôi nhà cổ 150-200 năm tuổi được công nhận là “khu bảo tồn các công trình truyền thống quan trọng” của Nhật Bản năm 1993 (hình 10). Ở trong nước, những kinh nghiệm thành công, thất bại đều là những bài học quý giá để có thể áp dụng đối với trường hợp bảo tồn nhà vườn truyền thống Huế. Một trong những phương pháp đang được áp dụng khá hiệu quả hiện nay đó là “Bảo tồn dựa vào cộng đồng” [6]. Ghi lại cách thức xây dựng lắp ghép nhà Rường bằng thước nách cũng là một trong những đề xuất cần quan tâm.

- Liên kết hữu cơ giữa chính quyền, chủ nhân và chuyên gia. Chính quyền cần tạo cơ chế riêng nhằm bảo tồn và phát huy giá trị các ngôi nhà như các đề án, các chính sách hỗ trợ. Tuy nhiên, chính quyền cần giữ vai trò động lực, quản lý chính sách, bảo vệ di sản dựa trên pháp luật. Các chủ nhân nhà vườn truyền thống là người hiểu rõ tình trạng ngôi nhà của mình. Không ai hết, họ phải là người đứng ra đảm nhận công việc bảo tồn, gìn giữ ngôi nhà và không nên thụ động chờ đợi sự hỗ trợ từ bên ngoài. Chuyên gia, các kiến trúc, nhà nghiên cứu là những người có kiến thức chuyên môn. Các chuyên gia có thể là cầu nối giữa chính quyền và người dân để đề xuất những giải pháp có tính tối ưu và hiệu quả nhất.


 Hình 10. Làng cổ Miyama, Kyoto, Nhật Bản (nguồn: tác giả)

- Ứng dụng kỹ thuật công nghệ trong bảo tồn. Sự phát triển công nghệ 4.0 đem lại rất nhiều thuận lợi trong các lĩnh vực. Bảo tồn và phát huy giá trị di sản cũng được hưởng lợi từ các ứng dụng công nghệ. Tuy nhiên, cần cẩn trọng trong việc ứng dụng công nghệ mới bởi đây chỉ là công cụ hỗ trợ chứ không thể thay thế hoàn toàn phương pháp bảo tồn. Vì vậy tùy từng trường hợp cụ thể để có những giai pháp ứng dụng công nghệ mới sao cho phù hợp và có hiệu quả.

- Một số đề xuất cụ thể đối với bảo tồn và phát huy giá trị “thương hiệu” nhà Rường và nhà vườn truyền thống Huế. 

1. Lập bản đồ nhà vườn truyền thống Huế và các công trình di tích khác trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế. Tác giả bài viết này hiện đang làm một website (https://dulich.huaf.edu.vn/) và bản đồ giới thiệu và quảng bá nhà rường và các nhà vườn truyền thống (https://bando.huaf.edu.vn/) (hình 11). Theo đó, các thông tin về ngôi nhà, vị trí tọa lạc, lịch sử xây dựng, tình trạng ngôi nhà, cùng các hình ảnh và các thông tin khác được thể hiện trên bản đồ (Website và bản đồ này hiện chỉ tập trung vào các ngôi nhà ở khu vực kinh thành và Kim Long). Điều này giúp quảng bá hình ảnh nhà vườn truyền thống cho những ai quan tâm và cho du khách đến Huế.


 Hình 11. Giao diện website giới thiệu nhà vườn truyền thống Huế ở khu vực kinh thành và Kim Long (nguồn: tác giả)

2. Tạo ra các sản phẩm du lịch liên quan nhà rường như các quà lưu niệm, mô hình lắp ghép nhà rường kèm theo tờ hướng dẫn cách lắp ghép, giới thiệu giá trị và kiến trúc độc đáo của nhà rường, góp phần quảng bá thương hiệu (hình 12).


 Hình 12. Mô hình cấu trúc Rường (nguồn: tác giả)

3. Số hóa VR hoặc AR các nhà rường và nhà vườn truyền thống tiêu biểu, có giá trị cao. Đây sẽ là cơ sở dữ liệu cần thiết để ghi lại, phục vụ cho công tác bảo tồn. Ngoài ra, các dữ liệu này cũng để quảng bá, áp dụng du lịch trải nghiệm cho du khách khi không có điều kiện đến tham quan trực tiếp. Công việc này càng có ý nghĩa trong tình hình dịch bênh COVID-19 diễn biến phức tạp hiện nay.

4. Xuất bản những ấn phẩm liên quan đến nhà vườn truyền thống, nhà Rường cũng là một trong những giải pháp để quảng bá hình ảnh, giá trị “thương hiệu” các ngôi nhà này khắp cả nước và quốc tế.

5. Đề xuất những hoạt động, lễ hội (festival, tuyến phố du lịch, phố đi bộ, phố ẩm thực) gắn với nhà Rường. Nhà Rường không còn là chủ thể “thụ động” với vai trò là ngôi Nhà Chính trong các nhà vườn truyền thống như trước đây. Đã đến lúc đừng xem các chủ thể này như những “hiện vật thụ động và dễ vỡ” để chúng ta lên tiếng bảo vệ, bảo tồn bằng mọi giá. Hãy xem hệ cấu trúc nhà Rường là “di sản chủ động” mà bản thân có thể tạo ra những giá trị có ý nghĩa, có thương hiệu cho các mục đích đương đại. Tuyến phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu ở TP. Huế trước đây cũng là một trong những hoạt động gắn với nhà Rường. Các nhà Rường được đặt dọc phố với nhiều chức năng khác nhau như không gian ẩm thực, không gian trưng bày, không gian cafe, không gian bán hàng lưu niệm,… Điều đó góp phần vào sự phát triển thương hiệu nhà Rường.

Thay cho lời kết, chúng ta hãy xem những ngôi nhà vườn truyền thống như là các “bảo tàng sống”. Mỗi ngôi nhà không chỉ mang giá trị kiến trúc vật lý từ cấu kiện nhà Rường, hay từ tổng thể ngôi nhà. Chúng còn là môi trường sống có con người, có thiên nhiên, có những “câu chuyện” rất riêng về lối sống, nề nếp, gia phong, văn hóa,… hòa quyện tạo nên sức hút, sức hấp dẫn của từng ngôi nhà.

Tài liệu tham khảo

[1] Hoàng Thanh Thủy (1999). Tâm thức người Việt và nhà vườn xứ Huế. Đại học Kiến trúc TP.Hồ Chí Minh, Luận văn thạc sĩ Kiến trúc, TP. Hồ Chí Minh.

[2] Ngoc Tung Nguyen & Hirohide Kobayashi (2014). Spatial transformation of traditional garden houses in Hue citadel, Vietnam. Proceedings of International Conference on Vernacular Heritage, Sustainability and Earthen Architecture VerSus2014. ISBN: 978-1-138-02682-7, Pp. 543-549, Valencia. 

[3] Nguyễn Đăng Vinh và Nguyễn Đăng Quang (2008). Huế thời nhà Nguyễn (1802-1945), Kinh đô Việt Nam xưa và nay, NXB Lao Động, Pp. 93-182, Hà Nội.

[4] Nguyễn Hữu Thông (2008). Nhà vườn xứ Huế, NXB Văn nghệ, Hồ Chí Minh.

[5] Nguyễn Ngọc Tùng, Trần Thị Thùy Hương (2020), Thành cổ Pingyao kiến trúc và kinh nghiệm bảo tồn, Tạp chí Kiến trúc, số 3-2020, tr. 83-85. ISSN: 0866-8617

[6] Nguyen Ngoc Tung, Hirohide Kobayashi, Nawit Ongsavangchai, Miki Yoshizumi (2015). Transformation and Conservation of Traditional Garden Houses in Hue Citadel, Vietnam. ISSN: 978-604-903-581-4, Thuan Hoa Publishers.

[7] Nguyen Ngoc Tung, Hirohide Kobayashi, Masami Kobayashi (2012). No. 9 Ngo Thoi Nham Street: the evolution of a traditional garden house in Hue, Vietnam. Sansai – An Environmental Journal for the Global Community. No. 6: 65-84, Graduate School of Global Environmental Studies, Kyoto University. ISSN 1349-872X.

[8] Kyoto Center for Community Collaboration (2009). Machiya Revival in Kyoto, Kyoto.

[9] Trần Bá Tịnh (2005). Nhà truyền thống Việt Nam tại Thừa Thiên Huế, hiện trạng và giải pháp, Trường Đại học Khoa học - Đại học Huế, Đề tài Nghiên cứu khoa học cấp Bộ 2004.

        [10] Quốc sử quán triều Nguyễn. Minh Mạng chính yếu, NXB Thuận Hóa 1994, Huế.

Comments

Popular posts from this blog

KIẾN TRÚC VI KHÍ HẬU (tiếp)

Thermal comfort chart (Biểu đồ tiện nghi nhiệt) Mỗi khu vực đều có một đặc trưng vi khí hậu riêng của khu vực đó, và chỉ vi khí hậu luôn biến đổi và ảnh hưởng đến môi trường của các công trình nằm trong khu vực. Vì vậy, nếu kiến trúc sư có thể điều khiển được sự biến đổi và đặc trưng của vi khí hậu từng vùng thì họ có thể tạo ra môi trường tiện nghi cho người sử dụng. Và chính biểu đồ Vi khí hậu giải quyết vấn đề đó. Còn con người có thể sử dụng biểu đồ đó để biết được đặc trưng môi trường xung quanh nơi sinh sống mà từ đó có thể tận dụng tối đa nguồn năng lượng tự nhiên vô tận khi cần thiết. Có rất nhiều nghiên cứu đã đưa ra tiêu chuẩn của điều kiện tiện nghi nhiệt. Những nghiên cứu đáng kể như Houghton & Yaglou đưa ra khái niệm "Nhiệt độ hiệu quả" (Effective temperature) vào năm 1923 (fig. 13). Tiếp đến Victor Olgyay đưa ra biểu đồ Vi khí hậu vào năm 1963 và đặc biệt là B. Givoni đã giới thiệu biểu đồ tiện nghi nhiệt mà ngày nay nhiều nước trên thế giới dùng làm cơ sở đ

Đặc trưng Kiến trúc nhà vườn truyền thống Huế - A Study on the Unique Characteristics of Hue Traditional Garden House

A Study on the Unique Characteristics of Hue Traditional Garden House (p. II) 5.3. Plan and Section The main house of Hue Traditional Garden House is Ruong House, which are style of Vietnam Traditional House and originate in Ruong House in the North of Vietnam. According to (Chu, Q.T, 2003) and (Ngo, H.Q, 2000), Traditional House in Hue and neighboring areas are based on Traditional House in Nghe Tinh province (nowadays this province has divided into Nghe An and Ha Tinh province), an area in the North Vietnam that is contiguous to Thanh Hoa province in the North. In the plan, Ruong House can be classified based on how many chambers in the middle that the House has: One chamber, three chambers, five chambers and two chambers. From these styles, it can be transformed into different styles such as House with three chambers can be transformed to three chambers, three chambers & two sides, Ruong with chamber ahead, Ruong “vocua” (House has space in front and this space has shell like c

Sự chuyển đổi và bảo tồn nhà vườn truyền thống trong khu vực Kinh thành Huế, Việt Nam