Skip to main content

 ĐẶC ĐIỂM KIẾN TRÚC PHÁP TẠI HUẾ

TS. KTS. Nguyễn Ngọc Tùng, ThS. KTS. Nguyễn Thị Minh Xuân, TS. KTS. Lê Ngọc Vân Anh

Khoa Kiến trúc, Đại học Khoa học, Đại học Huế

1. Khái quát chung

Khi nhắc đến Huế, hầu hết chúng ta thường nghĩ đến mảnh đất Thần kinh với sự hiện hữu của kiến trúc Kinh thành, Lăng tẩm và cung điện của triều đại nhà Nguyễn cùng với kiến trúc nhà vườn Huế, cảnh quan danh thắng dọc bờ sông Hương. Tuy nhiên, Huế vẫn còn đó một thể loại kiến trúc rất có giá trị, đó chính là quỹ kiến trúc thời kỳ Pháp thuộc với sự du nhập của các phong cách kiến trúc phương Tây nói chung và kiến trúc Pháp nói riêng.

Nhìn chung, có khá nhiều phong cách kiến trúc Pháp du nhập vào Việt Nam như phong cách Tiền thực dân, Tân cổ điển, kiến trúc địa phương Pháp, Art Deco, kiến trúc Đông Dương, kiến trúc Pháp-Hoa và kiến trúc Neo-Gothic (Trần Quốc Bảo, 2009). Ở Huế, người Pháp quy hoạch khá bài bản. Dòng sông Hương đóng vai trò là dải ngăn cách giữa 2 bờ Bắc và Nam. Ở bờ Bắc, khu vực Kinh thành Huế cơ bản thuộc quyền quản lý của triều Nguyễn trừ đồn Mang Cá do người Pháp chiếm đóng. Sau này, một số công trình được xây dựng chịu ảnh hưởng kiến trúc Pháp như điện Kiến trung, lầu Tứ phương vô sự và một số nhà vườn truyền thống (bên trong là hệ Rường được bọc ngoài bằng tường trang trí kiến trúc Pháp).

Ở bờ Nam, người Pháp tạo nên khu phố “Tây” với nhiều công trình mang phong cách kiến trúc Pháp (xem thêm ở Phan Thuận An, 2008). Điểm đáng nói là người Pháp cho xây dựng những công trình này rất bài bản và tuân theo các nguyên tắc kiến trúc trong quy hoạch và xây dựng. Các công trình nằm dọc bờ sông Hương (trục đường Lê Lợi) luôn có khoảng phân cách là cây xanh, cảnh quan giữa sông và công trình, độ cao từ 2 đến 3 tầng, có độ lùi tạo tầm nhìn và bảo vệ cảnh quan và giá trị của sông Hương. Các trục đường khác như Hoàng Hoa Thám, Lý Thường Kiệt,… có bề rộng lớn hơn hẵn so với các đường trong khu vực Kinh thành. Hệ thống cấp thoát nước, vỉa hè được thiết kế và xây dựng đầy đủ.

2. Một số loại hình kiến trúc Pháp ở Huế

2.1. Kiến trúc công trình công cộng

Loại hình này bao gồm các công trình như khách sạn, nhà ga, bảo tàng, văn hóa, y tế, giáo dục,… Ở Huế những công trình tiêu biểu cho loại hình kiến trúc này có thể kể đến như khách sạn Morin, nhà ga Huế, Đại học Huế, Đại học Khoa học, trường Quốc Học,…

Khách sạn Morin, Huế ra đời vào năm 1901 tại 30 Lê Lợi (xem thêm ở Nguyễn Đắc Xuân, 2001). Nhìn tổng thể, khách sạn có bố cục hình chữ nhật với sân trong ở giữa. Tuy nhiên, nếu nhìn ở phía cầu Trường Tiền vào mặt chính công trình thì ta có thể thấy khách sạn có tính đăng đối theo phong cách kiến trúc Tân cổ điển. Các trang trí mặt đứng sử dụng thức cột cổ điển Corinth của Hy Lạp cùng với những trang trí gờ chỉ trên dưới. Trước đây khách sạn chỉ có 2 tầng và sau này được nâng cấp thành 4 tầng như hiện nay. Sau khi nâng cấp thì khách sạn có hơi hướng của phong cách kiến trúc Art Deco với vật liệu mới như hệ thống mảng kính ở cửa sổ, hoa văn lan can sắt trang trí ở các ban công,…

Nhà ga Huế được xây dựng vào khoảng 1902 và hoàn thành năm 1906. Kiến trúc nhà ga chịu ảnh hưởng phong cách kiến trúc Tiền thực dân. Mặt đứng đơn giản với hệ thống cửa sổ hình chữ nhật. Cửa sổ 2 lớp (trong kính ngoài chớp) cùng với hệ thống gờ chỉ trang trí không cầu kỳ. Hành lang chạy dọc công trình với hình thức vòm cuốn hình bán nguyệt.

Trường Quốc Học Huế được thành lập vào năm 1896 theo Nghị định của Toàn quyền Đông Dương. Kiến trúc trường là sự kết hợp hài hòa giữa kiến trúc Pháp với kiến trúc truyền thống Việt Nam. Tổng thể trường có bố cục đối xứng với trục “thần đạo” chính giữa. Hình thức cổng chịu ảnh hưởng kiến trúc cổng tam quan 2 lớp mái thường gặp ở chùa và cung điện Huế. Bên cạnh đó những trang trí truyền thống như hoa sen, ngói ống cùng những họa tiết hoa văn thường gặp cũng được vận dụng ở cổng trường và hàng rào. Các công trình bên trong trường Quốc Học mang phong cách Tân cổ điển và địa phương Pháp, thể hiện qua những đặc trưng như: thức cột Doric, hệ thống cửa 2 lớp (trong kính ngoài chớp), con sơn gỗ hình tam giác trang trí dưới mái, tường gạch dày, hành lang rộng che nắng, hệ thống phào chỉ trang trí,…

Bệnh viện trung ương Huế được thành lập năm 1894, là bệnh viên Tây y đầu tiên dưới thời Nguyễn (Nguyễn Đắc Xuân, 2013). Hiện vẫn còn một số công trình xây từ thời Pháp thuộc hiện hữu trong bệnh viện. Ví dụ tòa nhà số 13 (Khoa Viêm gan, tại đường Ngô Quyền) vẫn còn nguyên vẹn và đang hoạt động. Hình thức kiến trúc nhìn chung chịu ảnh hưởng phong cách Tiền thực dân với trang trí mặt đứng khá đơn giản. Hệ thống cửa vuông vắn trong kính ngoài chớp. Mái đua ra ngoài và được đỡ bằng các con sơn gỗ hình tam giác.

2.2. Kiến trúc công trình biệt thự

Quỹ công trình Pháp có dạng biệt thự, nhà ở còn khá nhiều ở Huế. Thể loại công trình này nằm rãi rác trong thành phố nhưng tập trung nhiều vẫn ở bờ Nam như bảo tàng Điềm Phùng Thị (1 Phan Bội Châu), Bảo tàng Văn hóa Huế (23-25 Lê Lợi), biệt thự số 5 Lý Thường Kiệt (vừa bị phá dỡ năm 2017), trụ sở Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên Huế (26 Lê Lợi), … Nhìn chung, các công trình này mang của phong cách kiến trúc địa phương Pháp và kiến trúc Đông Dương. Đặc điểm nhận dạng chính là thường có 2 -3 tầng. Tầng dưới hoặc đế có thể bằng đá, tầng trên bằng gạch theo nguyên lý cân bằng ổn định trong kiến trúc. Mái dốc nhô ra khỏi tường và được đỡ bằng các con sơn gỗ. Hệ thống cửa vòm cuốn có gờ lanh tô trang trí phía trên. Tường gạch dày có tác dụng chống nóng và chịu lực. Hệ thống cửa trong kính ngoài chớp. Bậu cửa và lanh tô hơi dốc và có gờ móc có tác dụng thoát nước nhanh chóng.

2.3. Kiến trúc công trình khác

Ngoài những loại công trình nêu trên, một số dạng công trình khác có thể kể đến như Kinh thành Huế, cung điện, lăng Khải Định, cầu, nhà máy và đài tưởng niệm. Kinh thành Huế được xây thời vua Gia Long (1802-1820) theo nguyên tắc phong thủy và kiến trúc truyền thống phương Đông. Nhưng rõ ràng vòng thành ngoài cùng (Kinh thành) chịu ảnh hưởng kiến trúc thành lũy phòng thủ Vauban (kiểu phòng thủ điển hình phương Tây thời bấy giờ). Cầu Trường Tiền được khởi công vào năm 1897 dưới thời vua Thành Thái (1889-1907) do đơn vị thiết kế và thi công là hãng Eiffel, Pháp. Đây là công trình vượt khẩu độ lớn, sử dụng vật liệu thép khá xa lạ so với thời điểm lúc bấy giờ. Ngoài ra, lăng vua Khải Định, cung An Định và một số công trình trong Đại nội Huế (điện Kiến trung, lầu Tứ phương vô sự) cũng chịu ảnh hưởng các phong cách kiến trúc Pháp.

3. Kết luận

Các công trình mang phong cách kiến trúc Pháp ở Huế khá đa dạng và phong phú với nhiều thể loại khác nhau như công trình công cộng, biệt thự, công sở, cung điện, lăng tẩm, kinh thành,… Những công trình này mang phong cách kiến trúc du nhập từ Pháp và có sự kết hợp với kiến trúc truyền thống bản địa. Điều đó đã tạo nên một thể loại kiến trúc đặc trưng riêng biệt góp phần vào quỹ kiến trúc Huế nói riêng và Việt Nam nói chung.

Hiện nay, có khá nhiều công trình kiến trúc xây dựng từ thời Pháp thuộc đang dần bị phá hủy như các biệt thự dọc đường Lý Thường Kiệt, Hoàng Hoa Thám ở thành Phố Huế. Điều đó quả thật đáng tiếc vì những công trình này là nhân chứng phản ảnh một giai đoạn lịch sử trước đây và cũng là một loại hình phong cách kiến trúc rất đặc trưng trong quỹ kiến trúc của Huế. Việc khảo sát, phân loại và đánh giá giá trị của những công trình kiến trúc Pháp để có những biện pháp bảo vệ và phát huy giá trị của chúng là điều cần thiết đối với chính quyền, các nhà nghiên cứu, chuyên gia và người dân xứ Huế.

4. Tài liệu tham khảo

Hồ Vĩnh (2016), Kiến trúc Pháp ở Huế. Đăng tại Web: http://baothuathienhue.vn/kien-truc-phap-o-hue-a20289.html [truy cập ngày 6/5/2017].

Nguyễn Đắc Xuân (2001), 100 năm khách sạn Saigon Morin Huế (1901 - 2000).

Nguyễn Đắc Xuân (2013), Bệnh viện trung ương Huế bênh viện Tây y đầu tiên ra đời thời Nguyễn. Đăng tại Web: http://www.gactholoc.net/c15/t15-439/benh-vien-trung-uong-hue-benh-vien-tay-y-dau-tien-ra-doi-thoi-nguyen.html [truy cập ngày 9/5/2017].

Nguyễn Đình Toàn (2010), Kiến trúc Việt Nam qua các thời kỳ, Hà Nội, NXB Xây Dựng.

Phan Thuận An (2008), Huế xưa và nay di tích & danh thắng, NXB Văn hóa thông tin.

Tôn Đại, Nguyễn Quốc Thông, Nguyễn Quang Minh, Đỗ Thu Vân (2015), Lịch sử kiến trúc Việt Nam, Hội Kiến trúc sư Việt Nam, NXB Khoa học và Kỹ thuật, Hà Nội.

Trần Quốc Bảo (2009), Những phong cách chủ đạo trong kiến trúc Hà Nội thời kỳ Pháp thuộc. Đăng tại Web: http://www.ashui.com/mag/chuyenmuc/kien-truc/1468-nhung-phong-cach-chu-dao-trong-kien-truc-ha-noi-thoi-ky-phap-thuoc.html [truy cập ngày 9/5/2017].

Trần Quốc Bảo, Nguyễn Văn Đỉnh (chủ biên), Nguyễn Thanh Mai, Hồ Nam (2012), Kiến trúc và quy hoạch Hà Nội thời Pháp thuộc, NXB Xây Dựng, Hà Nội.

TÓM TẮT

Phong cách kiến trúc Pháp du nhập vào Việt Nam khá phong phú và đa dạng như phong cách kiến trúc Tiền thực dân, Tân cổ điển, Địa phương Pháp, Art Deco và kiến trúc Đông Dương. Ở Huế, các công trình mang phong cách kiến trúc Pháp có nhiều thể loại khác nhau như công trình công cộng, biệt thự, công sở, cung điện, lăng tẩm, kinh thành,… Những công trình này mang phong cách kiến trúc du nhập từ Pháp và có sự kết hợp với kiến trúc truyền thống bản địa. Điều đó đã tạo nên một thể loại kiến trúc đặc trưng riêng biệt góp phần vào quỹ kiến trúc Huế nói riêng và Việt Nam nói chung. Hiện nay, nhiều công trình có phong cách kiến trúc Pháp đang bị phá hủy và xuống cấp. Việc khảo sát, phân loại và đánh giá giá trị của những công trình kiến trúc Pháp để có những biện pháp bảo vệ và phát huy giá trị của chúng là điều cần thiết đối với chính quyền, các nhà nghiên cứu, chuyên gia và người dân xứ Huế.

SUMMARY

CHARACTERISTIC OF FRENCH ARCHITECTURE IN HUE

French architectural entered in Vietnam is plentiful and various designs such as Pre-colonialism, Neo-classicism, French regionalism, Art Deco and Indochine styles. In Hue, French architectural buildings are different forms such as publis building, villa, office, palace, tomb, citadel, etc. These buildings have architectural style derived from France, which combine with traditional-local architecture. This combination creates unique architectura characteristic contributing to Hue architecture in specific and Vietnam in general. Currently, some French architectural buildings have been destroyed and decayed. Hence, it is necessary that local government, researchers and local people should conduct surveys, classify and evaluate those buildings for providing solutions to protect and improve the values of them.

Khách sạn Morin năm 2016 (nguồn: tác giả)

Bảo tàng Điềm Phùng Thị (nguồn: tác giả)


Cửa sổ và bậu cửa của bảo tàng Văn hóa Huế (nguồn: tác giả)


Cổng trường Quốc Học, Huế (nguồn: tác giả)


Nhà ga Huế năm 2017 (nguồn: tác giả)


Tòa nhà số 13 - Viêm gan (nguồn: tác giả)


Bài đăng trên Tạp chí Sông Hương


 

Comments

Popular posts from this blog

KIẾN TRÚC VI KHÍ HẬU (tiếp)

Thermal comfort chart (Biểu đồ tiện nghi nhiệt) Mỗi khu vực đều có một đặc trưng vi khí hậu riêng của khu vực đó, và chỉ vi khí hậu luôn biến đổi và ảnh hưởng đến môi trường của các công trình nằm trong khu vực. Vì vậy, nếu kiến trúc sư có thể điều khiển được sự biến đổi và đặc trưng của vi khí hậu từng vùng thì họ có thể tạo ra môi trường tiện nghi cho người sử dụng. Và chính biểu đồ Vi khí hậu giải quyết vấn đề đó. Còn con người có thể sử dụng biểu đồ đó để biết được đặc trưng môi trường xung quanh nơi sinh sống mà từ đó có thể tận dụng tối đa nguồn năng lượng tự nhiên vô tận khi cần thiết. Có rất nhiều nghiên cứu đã đưa ra tiêu chuẩn của điều kiện tiện nghi nhiệt. Những nghiên cứu đáng kể như Houghton & Yaglou đưa ra khái niệm "Nhiệt độ hiệu quả" (Effective temperature) vào năm 1923 (fig. 13). Tiếp đến Victor Olgyay đưa ra biểu đồ Vi khí hậu vào năm 1963 và đặc biệt là B. Givoni đã giới thiệu biểu đồ tiện nghi nhiệt mà ngày nay nhiều nước trên thế giới dùng làm cơ sở đ

Đặc trưng Kiến trúc nhà vườn truyền thống Huế - A Study on the Unique Characteristics of Hue Traditional Garden House

A Study on the Unique Characteristics of Hue Traditional Garden House (p. II) 5.3. Plan and Section The main house of Hue Traditional Garden House is Ruong House, which are style of Vietnam Traditional House and originate in Ruong House in the North of Vietnam. According to (Chu, Q.T, 2003) and (Ngo, H.Q, 2000), Traditional House in Hue and neighboring areas are based on Traditional House in Nghe Tinh province (nowadays this province has divided into Nghe An and Ha Tinh province), an area in the North Vietnam that is contiguous to Thanh Hoa province in the North. In the plan, Ruong House can be classified based on how many chambers in the middle that the House has: One chamber, three chambers, five chambers and two chambers. From these styles, it can be transformed into different styles such as House with three chambers can be transformed to three chambers, three chambers & two sides, Ruong with chamber ahead, Ruong “vocua” (House has space in front and this space has shell like c

Kiến Trúc Nhà Vườn Truyền Thống Huế - Ngỗn Ngang Những Biến Dạng

Mệnh danh thành phố vườn, Huế được biết đến là thủ p hủ của triề u đình nhà Ng uyễn ở Việt Nam. Mang trong mình vẻ đẹp tiềm ẩn với nhiều di sản văn hóa kiến trúc như lăn g tẩm, cung điện, chùa đền và nhà vườn, Huế đã và đang là điểm đế n du lịch hàng năm ở Việt Na m. Tuy nhiên, một vấn đề nhức nhối nổi cộm cần giải quyết đối với các nhà chứ c trách, nghiên cứu và các tổ chức liên quan, đó là việc bảo tồn các di sản văn hóa và các di tích kiến trúc ở thành phố Huế hiện nay. Dưới tác động của đô thị hóa, quá trình gia tăng dân số, biến đổi k hí hậu, và sự phát triển kinh tế đã và đang làm giảm đi các giá trị, phá hủy h oặc làm biến dạng các công trình di tích thàn h nhiều hình thái khác nhau. Nhà vườn truyền thống Huế, đặc biệt những ngôi nhà nằm trong khu vực Kinh Thành cũng không nằm ngoài tác động đó. Từ hơn 1000 ngôi nhà vườn truyền t hống dưới thờ i Nguyễn, giảm xuống còn 331 nhà vào năm 1998 [1] , rồi đế n 318 nhà vào năm 2004, và còn số đó còn tiếp tục giảm [2] . Đó